Chùa làng Khúc Toại, xã Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh có tên chữ là “Diên phúc tự” hay còn gọi là chùa Chọi - tọa lạc ngay sát bờ sông Ngũ huyện khê phía bên tay trái đình làng, hướng chếch Đông Bắc. Hai bát hương sành thế kỷ XIX ở chùa làng Khúc Toại
Vào đầu thế kỷ XVII, chùa là một trung tâm phật giáo lớn ở vùng Kinh Bắc. Trải qua những giai đoạn thăng trầm của lịch sử chùa được trùng tu sửa chữa nhiều lần, cho tới nay công trình kiến trúc chính của chùa mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn gồm các hạng mục chính như: tam quan, tam bảo, nhà tổ, nhà khách… Trong đó đáng chú ý nhất là hai chiếc bát hương sành đặt trên khu vực bệ thờ ở nhà tổ. Chiếc lớn có đường kính miệng 23cm, đường kính đáy 15cm, cao 30cm. Chiếc nhỏ có đường kính miệng 16cm, đường kính đáy 12cm, cao 24cm. Cả hai chiếc bát hương phần miệng đều loe, phần thân thắt, đế cao, hoa văn trang trí đắp nổi hình mặt “hổ phù” và hình tượng “lưỡng long chầu nguyệt”, hai bên cạnh đắp quai hình rồng nhưng đã bị gãy hết, toàn bộ bề mặt phủ men màu nâu nhạt.
Theo giới nghiên cứu nhận định, hai chiếc bát hương sành này được sản xuất vào đầu thời Nguyễn (thế kỷ XIX) tại làng gốm Thổ Hà (xã Vân Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Đây là một làng gốm cổ hình thành từ khoảng cuối thế kỷ XIV chuyên làm đồ thờ tự và đồ gia dụng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của đông đảo tầng lớp nhân dân trong xã hội.
Ngày 20/5/2012 nhà chùa và chính quyền nhân dân thôn Khúc Toại đã hiến tặng Bảo tàng tỉnh hai chiếc bát hương sành góp phần bổ sung hiện vật vào kho cơ sở và phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của các lò gốm cổ trên vùng đất Kinh Bắc văn hiến.