đình làng chọi thôn khúc toại xã khúc xuyên

Thôn Khúc Toại còn có tên nôm “làng Chọi” thuộc xã Khúc Xuyên, thành phố Bắc Ninh, vốn là một làng cổ nằm vắt ngang con sông cổ Ngũ Huyện Khê. đình làng chọi thôn khúc toại xã khúc xuyên đình làng chọi thôn khúc toại xã khúc xuyên


Nằm giữa cái nôi lịch sử văn hóa, Khúc Toại từ lâu đã nổi tiếng trong dân gian là làng nghề mộc gia dụng với câu “Mã Đông Hồ, đồ làng Chọi”. Đó còn là làng quan họ gốc với những liền anh, liền chị nổi tiếng tài hoa, thanh lịch… Song bề dày lịch sử, văn hiến của Khúc Toại đã được kết tinh và tỏa sáng ở quần thể di tích đình, chùa cổ kính của làng. Đình chùa Khúc Toại nằm liền kề nhau thành một quần thể di tích cổ kính thâm nghiêm giữa làng, mặt hướng phía đông nam: Phía trước là ao hồ và cánh đồng rộng lớn bốn mùa lúa màu tươi tốt. Phía sau lưng là cầu “Chọi”, chợ “Chọi” từng đi vào tiềm thức dân gian xứ Kinh Bắc: Cầu Chọi theo văn bia của đình làng thì được xây dựng với quy mô lớn vào thời Lê Trung Hưng theo kiểu “thượng gia hạ kiều” để nối các xóm của làng với nhau thêm trù mật, đầm ấm. Cây cầu này mang giá trị lớn về kiến trúc nghệ thuật, nên đã được Viện Viễn Đông Bác Cổ chụp ảnh để lưu giữ, nghiên cứu. Chợ Chọi từng nổi tiếng trong dân gian với ngày hội chợ mồng 8 tháng Giêng có nhiều hàng hóa và tục “ăn cuốn”.

 

Đình chùa Khúc Toại không những có cảnh quan đẹp, mà còn nổi bật với những giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật. Chùa Khúc Toại có tên chữ là “Diên Phúc tự”, theo văn bia từng là danh lam cổ tích của xứ Kinh Bắc. Còn theo như truyền thuyết, địa phương được Tiến sĩ Nguyễn Thượng Nghiêm người làng cho xây dựng với quy mô lớn vào thời Lê; vì vậy dân làng đã thờ ông làm Hậu Phật ở chùa. Ngôi chùa Diên Phúc còn bảo lưu được nhiều cổ vật quí hiếm: Hệ thống tượng Phật thời Lê, Nguyễn; tượng Tiến sĩ Nguyễn Thượng Nghiêm; bia đá, khánh đá, cây hương đá; đặc biệt là chuông đồng ghi tên chùa với niên đại “Phúc Thái 6” (1648) và đây là một trong những quả chuông cổ nhất của nước ta. Trên thân chuông ghi khắc chữ Hán bài Tự kể về những danh lam cổ tích của nước ta như: Tháp Bảo Thiên, chùa Quỳnh Lâm, tháp Phổ Minh, chùa Phả Lại và những báu vật thuộc “An Nam tứ khí” của những danh lam cổ tích trên; còn ghi khắc bài Minh ca ngợi quê hương Khúc Toại trù phú và văn hiến.

 

Đình Khúc Toại cũng được xây dựng từ lâu đời, nhưng đến thời Nguyễn được trùng tu và mở rộng với qui mô lớn. Trên câu đầu của tòa Tiền tế còn nguyên dòng chữ Hán ghi khắc năm trùng tu “Duy Tân Quý Sửu niên” (1913). Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo và tiêu biểu của thời Nguyễn còn bảo lưu đến ngày nay. Tòa Đại đình có bình đồ kiến trúc kiểu “tường chữ Đinh mái chữ Công” với các lớp mái đao cong uốn lượn duyên dáng bên bến nước, dòng sông. Bộ khung đình được dựng bằng gỗ lim trang trí lộng lẫy và nghệ thuật chạm khắc được tập trung ở tòa Tiền tế. Các nghệ nhân xưa của làng nghề Khúc Toại bằng nhiều thủ tháp nghệ thuật: Chạm nổi, chạm lộng, chạm thủng, chạm kênh bong đã thể hiện tài năng sáng tạo của mình ở ngôi đình. Trên các bộ phận kiến trúc như: vì nóc, con rường, cốn, đầu dư, kẻ, bảy đều được chạm khắc trang trí. Tòa tiền tế có 2 vì nóc gian giữa kết cấu “chồng rường” và đầu các con rường đều được chạm nổi hoa lá với nét chạm phóng khoáng. Các gian bên có vì nóc kiểu “ván mê” được chạm nổi đầu rồng mặt hổ phù với mặt lồi to, mũi nở, râu dài, bờm và tóc bay dựng ngược dữ tợn. Hình tượng rồng mặt hổ phù nhằm đề cao vẻ uy nghiêm linh thiêng của ngôi đình. Các đầu dư chạm đầu rồng ngậm ngọc với nét chạm điêu luyện. Gian giữa có hai kẻ phía trước được tạo hình là hai con rồng lớn với đầy đủ các chi tiết đầu, thân, đuôi; nhưng lớp vẩy trên mình rồng lại làm những cụm hoa lá nở rộ. Hai bảy hiên gian giữa chạm nổi hình rồng bán thân đang cuộn mình trong những đám mây chầu vào đình. Còn các đầu bảy khác chạm nổi rồng lá. Đặc biệt bức cửa võng gian giữa được chạm với nhiều đề tài của đạo nho, đạo lão, đạo giáo như: Lưỡng long chầu nguyệt, long giáng, phượng vũ, long mã đồ thư, bát bửu… Nghệ thuật chạm khắc của đình Khúc Toại không những thể hiện tài năng của các nghệ nhân xưa, mà còn gửi gắm những mơ ước về một xã hội hưng thịnh, no ấm. Cùng với giá trị kiến trúc điêu khắc, đình Khúc Toại còn bảo lưu được nhiều cổ vật quý giá như 20 đạo sắc phong của các triều vua cho người được thờ là Thánh “Tam Giang”, các thánh “Quý Minh”, “Trung Huệ”, “Đống Vinh” (đạo có niên đại sớm nhất là 1730, đạo có niên đại muộn nhất là 1924), 3 bia đá có niên đại Bảo Đại 3 (1928) cho biết về việc trùng tu đình vào thời Nguyễn; nhiều đồ thờ tự cổ quý như hương án, sập thờ, kiệu thờ, siêu đao, bát bửu, kiệu bát cống là những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của thời Lê, Nguyễn.

 

Bên cạnh những giá trị nổi bật về kiến trúc điêu khắc và cổ vật, đình chùa Khúc Toại còn có giá trị lớn về lễ hội truyền thống. Hàng năm hội chùa ngày 14 tháng Giêng và hội đình ngày 6 tháng Giêng là những hội “quan họ” nổi tiếng của xứ Kinh Bắc. Quần thể di tích đình chùa Khúc Toại với những giá trị lớn nhiều mặt về kiến trúc điêu khắc, cổ vật, lễ hội không những là nét văn hiến đặc sắc của một làng nghề từng nổi tiếng trong dân gian, mà đã góp phần làm nên nét văn hiến tiêu biểu của quê hương Bắc Ninh.

làng chọi xã khúc xuyên bắc ninh


Polaroid